Khiếp đảm hủ tục... thiêu đồng nhi



Câu chuyện dâng cúng nô lệ cho nữ thần quyền năng trên "đỉnh đồi vàng" (Tháp bà Pônagar) của các vua chúa Chàm ngày trước ở xứ Kauthara (nay là Khánh Hòa) đã dẫn dắt chúng tôi lạc chân vào những tục cúng lạ của các chủ lưới đăng ngày trước.




Trong những nghi lễ tín ngưỡng lạ kỳ đến không tưởng ấy, nổi bật hủ tục người tế người. Với hủ tục này, nô lệ đem tế thần sẽ bị chủ đầm giết chết và hỏa thiêu để làm vui lòng những hung thần biển cả!

Như đã đề cập ở số báo trước, khi nhận được tin mật từ ông T. Kính - một đầu nậu cổ vật có máu mặt ở khu phố cổ Lê Công Kiều (quận 1, TP HCM), chúng tôi đã dày công giải mã. Để rồi phát hiện ra rằng những dòng ký tự cổ được khắc ghi trên các bia ký bằng đá trên "ngọn đồi vàng" ghi chép rất rõ những lần dâng cúng nô lệ của các vua chúa Chàm.

Theo đó, nô lệ được dâng cúng là trẻ em, phụ nữ và cả đàn ông. Khi được (hoặc bị - PV) dâng cho thần, họ phải hầu hạ cả đời cho các vị thần quyền năng, tuyệt nhiên không thấy các bia ký nhắc đến chuyện họ bị hỏa thiêu hay chôn sống!

Trong quá trình gần một tháng trời rong ruổi khắp xứ Kathura ngày nào để tìm hiểu thân phận của những nô lệ được dâng cúng cho các vị thần quyền năng trên đỉnh đồi vàng, người viết vỡ lở sự thật phũ phàng rằng, không phải vô duyên vô cớ mà trong dân gian râm ran chuyện đã có nhiều nô lệ bị giết chết một cách tàn nhẫn như hỏa thiêu, chặt đầu để làm vui lòng các vị thần quyền năng. Có điều, những chuyện nô lệ bị đem tế thần một cách tàn nhẫn ấy không phải diễn ra trên đỉnh đồi Cù Lao nơi có cụm tháp cổ Pônagar hơn 1.000 năm tuổi mà tại những ngôi làng cổ ven biển, nơi từng phát triển nghề lưới đăng. Chính các chủ đầm đăng này với niềm tin ngu muội cúng người để để quỷ thần vui lòng ban ơn chiếu lộc cho bội thu vụ mùa, đã lén lút làm điều bất nhân vô đạo, mua nô lệ về giết hại.

Trong “Tín ngưỡng dân gian Khánh Hòa”, tác giả Lê Quang Nghiêm có nhắc đến quái tục, chủ lưới đăng thiêu một mạng người cúng dâng các hung thần biển cả. Theo đó, bên cạnh việc tôn thờ thần linh biển cả như ngư dân các vùng khác, ngư phủ lưới đăng còn có những tục lệ thờ cúng riêng biệt, nổi bật là tục lệ cúng hình nhân kích cỡ bằng người thật rồi thả trôi trên biển, tục thờ cúng bà Dương Thị Đĩ Nương Nương và kinh khủng nhất là tục thiêu một mạng người vô cùng tàn nhẫn!



Khu dân cư Vũng Ngán và một góc Sở đầm ngày nào

Tục cúng hình nhân rồi cột đá thả trôi xuống biển xảy ra ở Sở đầm Hòn Xưởng, trước thuộc quận Vĩnh Xương, nay thuộc phường Phương Sài, Nha Trang. Theo các bậc cao niên, Sở đầm Hòn Xưởng có tục cúng và lệ thờ 32 ngư phủ tiền bối. Chuyện kể rằng vào năm 1857, 32 ngư phủ này di chuyển từ phường Mới, Tam Quan, Bình Định vào Khánh Hòa khai thác lưới đăng ở Hòn Xưởng nhưng cả thảy bị chết thảm vào giữa đêm 24 tháng Giêng âm lịch ngay tại sở đầm này.

Cũng theo các bậc cao niên, Sở đầm Hòn Xưởng còn ghi nhận cái chết của một thợ lặn tên Nguyễn Sởi. Để thờ cúng những ngư phủ bạc mệnh này, mỗi năm đến ngày giỗ, những người tìm sinh kế từ nghề lưới đăng nói riêng, nghề biển nói chung làm 2 hình nhân bằng cốt tre bồi giấy, cúng xong cột đá vào 2 hình nhân này rồi thả xuống biển, theo lệ cúng âm binh "nhứt nhân thế nhị nhân" (1 người thế 2 người).

Cần nói rõ rằng, thời bấy giờ ông Nguyễn Sởi là thợ lặn kỳ tài, từng giúp ngư dân ở Sở đầm Vũng Ngán cũng thuộc phạm vi quận Vĩnh Xương hóa giải những gian khó khi hành nghề nên khi ông chết đi, nhớ ơn ngày trước nên ngư dân ở Sở đầm Vũng Ngán cũng giữ lệ cúng thế như Sở đầm Hòn Xưởng.

Chẳng như hai sở đầm Vũng Ngán và Hòn Xưởng chỉ cúng thế hình nhân bằng cốt tre bồi giấy, tại một số sở đầm khác trong địa phận tỉnh Khánh Hòa như Sở đầm Hòn Đỏ, Sở đầm Hòn Một, dân hành nghề lưới đăng chẳng ngại thiêu người: "Đầm Hòn Một thuộc quận Vĩnh Xương, có tục thiêu người cúng các bác (cô hồn) từ khi đầm được khai thác cách đây gần 200 năm. Các ngư phủ lão thành ở thôn Bích Đầm xác nhận có việc này nhưng không biết rõ chi tiết vì sợ chính quyền phát hiện, chủ sở đầm lén lút thiêu người lúc giữa khuya, cúng xong thả xác xuống biển" - trích “Tín ngưỡng dân gian tỉnh Khánh Hòa”.

Việc thiêu một mạng người cúng thần linh tại Sở đầm Hòn Đỏ được ghi chép như sau: "Ngày xưa đảo Hòn Đỏ nổi tiếng nhiều ma quái và rất linh thiêng vì có rất nhiều người Chiêm Thành, Việt Nam, Trung Hoa bất đắc kỳ tử trên đảo hoặc trôi tấp vào vì bão tố, tai nạn, chinh chiến, giặc cướp... Từ khi mới khai thác lưới đăng, đầm Hòn Đỏ có tục mỗi năm thiêu một trẻ nhỏ (người Thượng) 5 hoặc 7 tuổi, cúng dâng hung thần là ông Nguyễn Văn Thới mà ngư dân lớp sau này không biết rõ lai lịch xuất xứ. Việc làm vô nhân đạo này kéo dài có lẽ 100 năm và chấm dứt cách nay trên 100 năm, rồi được thay thế bằng việc cúng heo".

Sở đầm Hòn Nhàn thuộc quận Cam Lâm ngày trước cũng được ghi nhận có tục thiêu người cúng Nhang Dàng (ma quỷ). Theo đó, vì đảo Hòn Nhàn ngày trước có nhiều ma quỷ quấy quá dữ dội, đòi thiêu người cúng dâng mới cho bình yên nên chủ đầm đành phải làm theo. Thế nên vào giữa mùa cá - khoảng từ tháng 3 âm lịch hằng năm, chủ đầm kính cẩn rước thầy làm lễ cúng Nhang Dàng với lễ vật chính là một trẻ em người Thượng bị thiêu tại gành, gần chỗ đóng lưới và miếu thờ Hội đồng: "Cúng xong họ thả hết lễ vật xuống biển. Việc thiêu người chấm dứt cách nay trên 100 năm, Sở đầm Hòn Nhàn vẫn giữ lệ cũ cúng Nhang Dàng bằng heo"...

Để được rõ hơn về nghề lưới đăng gắn với hủ tục man rợ thiêu người, chúng tôi đón tàu đi đến đảo Đầm Bấy, điểm đảo cuối cùng xa xôi cách trở nhất TP Nha Trang tìm gặp ông Phạm Văn Tờ, 78 tuổi, vốn rất rành rẽ chuyện xưa tích cũ, nhất là chuyện thiêu người. Để đến được Đầm Bấy, chúng tôi phải đi qua các sở đầm Vũng Ngán, Bích Đầm. Cần nói rõ là khi đi qua 2 sở đầm này, tìm gặp một số cư dân bản địa ở vùng, khi hỏi thăm về chuyện chủ sở đầm ngày nào thiêu người, những gì chúng tôi ghi nhận chỉ là con số không to tướng.

Như Vũng Ngán và Bích Đầm, đảo Đầm Bấy nay thuộc địa phận phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang. Về mặt hành chính, nơi này là tổ dân cư hẳn hoi nhưng buồn làm sao, vừa gặp mặt, ông Phạm Văn Tờ đã buông lời thở than rằng, ông sống ở vùng này đến nay đã gần 80 năm, trong khi 2 tổ dân cư Bích Đầm và Vũng Ngán điện nước đâu đã vào đó thì cư dân Đầm Bấy vẫn sống trong cảnh tù mù "điện không nước không", cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn đến độ nhiều người phải rời bỏ quê hương bản quán đi mưu sinh xa xứ.

Sau lời tâm sự nghe đắng lòng về cuộc sống nhiều dấu lặng nơi đảo xa, khi được hỏi chuyện về nghề lưới đăng gắn với tục thiêu người, ông Tờ khẳng định chuyện hỏa thiêu như thế là có thật. Tuy ông không từng chứng kiến việc làm tàn bạo ấy nhưng cụ thân sinh ông từng thấy và chỉ cho ông nơi mà các chủ đầm từng hành hình những nô lệ xấu số bị bán mua để tế thần.

Nghề lưới đăng theo giải thích của ông Tờ từng là hải nghệ cực thịnh ở Khánh Hòa. Các mũi đảo, bãi triều, những đầm vịnh, đảo lớn đảo nhỏ tầng tầng lớp lớp với các dòng hải lưu nóng lạnh, nguồn thực vật phù du phong phú đã là nguồn thức ăn dồi dào, quyến rũ nhiều đàn cá từ ngoài khơi tiến sát bờ, thích hợp cho nghề đầm đăng phát triển. Cũng theo ông Tờ, đầm đăng là nghề đánh bắt ít nhọc công nhưng năng suất cao ngất ngưởng vì không cần phải di chuyển giàn lưới mà chỉ cần cắm lưới ở những điểm cố định đón sẵn các đàn cá tươi ngon như cá thu, cá ngừ, cá bò, cá gòn, cá cờ... vào "nạp mạng".

- Đầm Bấy ngày trước có nghề lưới đăng không, thưa bác?

- Chỉ có ở Bích Đầm thôi. Làng nằm tựa lưng dưới núi hồng thuộc đảo Hòn Tre. Nghe các cụ kể ngày trước cá về Bích Đầm nhiều vô kể, nhờ nước trong xanh như màu ngọc bích nên khi vào mùa cá, đứng trên núi nhìn xuống thấy rõ các luồng cá đi. Tiền hiền ở làng là cụ Trương Văn Cõi cùng vợ là Phạm Thị Vơi, đến đây từ khoảng đầu đời Gia Long, sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác đầm đăng.

Mùa đầm đăng bắt đầu từ tháng Giêng kéo dài đến tháng 5 âm lịch là mãn mùa. Theo cụ Tờ, thời điểm mà chủ đầm đăng thiêu người dâng cúng quỷ thần diễn ra vào đầu mùa. Tiếc rằng hôm chúng tôi đến Bích Đầm, do mưa to gió lớn nên cụ Tờ chẳng thể đưa chúng tôi đến gành đảo, nơi mà hơn 100 năm trước từng diễn ra các màn giết tế bạo tàn của chủ đầm đăng, để chúng tôi có thể thắp nén hương cho những vong linh bạc mệnh vì vụ mùa của các chủ đầm mà phải chết trong đau đớn, tức tưởi!



Thạch tượng (voi đá) tương truyền là "lễ vật" tế thần hơn 1.000 năm trước ở Tháp Bà Pônagar

Hỏi có nắm được số lượng bao nhiêu nô lệ bị giết chết hay thiêu sống để tế thần, cụ Tờ lắc đầu bởi chuyện xảy ra quá lâu, cụ chỉ biết qua lời kể của cụ thân sinh nên chẳng thể nào rõ được. Chỉ biết rằng cứ mỗi đầu mùa lưới đăng, chủ đầm lại thiêu một trẻ nhỏ cúng thần. Sau này, chúng tôi gặp được ông Mai Vọng, bậc cao niên ở sở đầm Bến Cá (phường Phương Sài, TP Nha Trang), người cũng rất quan tâm đến hủ tục thiêu người ngày nào.

Nói về số lượng nô lệ bị thiêu ở các sở đầm, trong đó có Sở đầm Bích Đầm, cụ Vọng, phân tích: "Sở đầm Bích Đầm được thành lập từ đầu đời Gia Long, tính đến nay đã hơn 210 năm. Trong khi đó, hủ tục thiêu người nghe đâu đã không còn tồn tại được khoảng 100 năm, có thể phỏng đoán số nô lệ bị sát hại bằng việc lấy con số 210 trừ con số 100, sẽ ra số lượng đồng nhi ước chừng bị thiêu chết".

Nhưng tại sao lại là đồng nhi mà không phải là trinh nữ hay đàn ông, đàn bà nào khác? Đến bây giờ, khi khép lại bài viết này, chúng tôi vẫn chưa thể giải mã ẩn số ấy. Chỉ biết rằng cái hủ tục bạo tàn kia như đã nói do quá dã man nên đã bị nhà cầm quyền nghiêm cấm và khép lại hơn 100 năm qua. Dẫu là chuyện của một thời quá vãng nhưng từ khi đi sâu tìm hiểu về hủ tục này, thi thoảng hình ảnh về những đứa trẻ người Thượng (ở Tây Nguyên) bị người ta lạnh lùng mua bán, bị các chủ đầm đăng đóng vào cũi bí mật chở ra đảo xa hỏa thiêu trong hoảng sợ, đau đớn tột cùng, ẩn hiện sâu trong tâm khảm khiến chúng tôi chạnh lòng.

Cùng là con người nhưng có những thân phận như những đứa trẻ bị hỏa thiêu cúng thần như chúng tôi đề cập ở bài viết này khi chết chẳng được mồ yên mả đẹp, chẳng được ai đoái hoài nhớ thương, cúng kính. Bài viết này xem như nén tâm hương an ủi vong linh những thân phận xấu số, đồng thời xem như lời tạ lỗi của các chủ đầm đăng một thuở vì sự ngu muội đã làm điều vô đạo khó có thể dung thứ!

0 nhận xét: